Vòng dâu tằm cho trẻ ngủ ngon, hết giật mình
Dẫu chưa được xác nhận bởi khoa học nhưng mẹo vặt dân gian cũng có những lý lẽ riêng của nó mà chính vì thế, người ta mới lưu truyền, chia sẻ cho nhau (ngoại trừ các trường hợp vụ lợi).
Trường hợp dùng vòng dâu tằm cho trẻ sơ sinh cũng tương tự như vậy. Nếu bạn chưa từng sử dụng hoặc chứng kiến thì sẽ khó mà tin rằng, một cái vòng tay bằng gỗ bé xíu lại có thể giúp trẻ ngủ ngon hơn, không bị chới với, giật mình, khóc thét trong đêm.
Vòng dâu tằm cho trẻ ngủ ngon, không bị giật mình
Như tôi, ngay cả khi chứng kiến những đứa trẻ sơ sinh trong xóm mình hầu như đều lớn lên cùng cái vòng tay bé xíu, tôi vẫn nửa tin nửa ngờ. Thế nhưng, có một sự thật không thay đổi là những người ở đồng quê thường làm vòng tay dâu tằm cho trẻ sơ sinh bởi theo họ, cây dâu có tác dụng trừ tà và “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” (làm cái vòng tay cũng chẳng tốn kém gì!).
Tôi vẫn còn nhớ những đứa em tôi lúc mới chào đời, ngày cũng như đêm thường hay giật mình, tay chân quơ quạng. Những lúc ấy, mẹ tôi lấy cái gối nhỏ để lên bụng nó thì nó im lại, nhưng rồi thỉnh thoảng lại giật mình. Thế là bà đi chặt một nhánh dâu tằm nhỏ (đường kính nhỏ hơn đầu đũa một tí), róc vỏ, khứa thành từng đoạn thật ngắn rồi phơi và dùng chỉ xâu thành chuỗi, đeo vào tay cho em bé. Thế là yên.
Thời gian trôi qua, người dân quê tôi nhìn những chiếc vòng dâu tằm thành quen và cũng chẳng cần cắt nghĩa xem nó có hiệu quả thực sự hay không. Lần gần đây nhất, cô bạn cùng xóm hấp tấp đến nhà tôi vào đêm khuya chỉ để hỏi xin một nhánh dâu tằm. Tôi hỏi thì nó bảo để làm xâu chuỗi ngay vì con nó giật mình nhiều quá, nó “chịu không nổi”.
Tuy nhiên, nhà tôi đã chặt cây dâu tằm từ lâu rồi và mẹ tôi chỉ cho nó cách khác. Nó lắc đầu, bảo rằng chỉ muốn tìm cây dâu tằm thôi. Thế là mẹ tôi phải cố nhớ xem nhà ai có cây dâu tằm để chỉ cho nó. Tôi nhìn theo ánh đèn của người mẹ trẻ đi tìm cây dâu tằm để làm vòng tay cho con mình, chợt nghĩ: “Vì sao chỉ có thể là vòng tay dâu tằm?”. Câu trả lời của tôi đi theo ngọn đèn rồi mất vào đêm tối.
- Tham khảo: Ăn trái dâu tằm vào đầu hè rất thơm ngon và tốt cho sức khỏe
Công dụng khác của cành dâu tằm
Vòng tay dâu tằm là kinh nghiệm dân gian nhưng công dụng của cây dâu tằm thì được ghi chép cụ thể trong nhiều tài liệu y học.
Theo Đông y, cây dâu tằm (Morus alba L) (1) là thảo dược có nhiều công dụng. Các bộ phận khác nhau của cây như lá, cành, quả, vỏ rễ và cả các vị thuốc liên quan đến cây như tầm gửi cây dâu (tang ký sinh), tổ bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu diêu) đều có thể dùng làm thuốc. Trong đó, cành dâu (hay còn gọi là tang chi) có các công dụng như:
- Điều trị đau thắt lưng, nhức xương.
- Điều trị phong tê thấp, làm thông kinh lạc.
- Điều trị phù thũng và chân tay co quắp, khó điều khiển.
Cách dùng: lấy cành dâu non phơi cho dốt dốt rồi thái lái (thấy lát màu trắng là cành tốt), mỗi ngày sắc lấy nước uống từ 6 – 12 g (tùy trường hợp bệnh có thể dùng liều lớn lơn, từ 15 – 30 g). Lưu ý, nếu bệnh nhân bị tê bại do nhiệt thì dùng vị thuốc này còn bị tê bại do hàn thì không nên dùng cành dâu mà dùng vị Quế chi sẽ tốt hơn (2) (3).
- Bên cạnh cách dùng độc vị, cành dâu cũng được dùng kết hợp để điều trị đau nhức, ê ẩm mình mẩy, tay chân co quắp và bệnh phong thấp. Cách dùng: lấy khoảng 20 g cành dâu, chặt thành các khúc nhỏ, mỏng rồi sao vàng, sắc chung với 12 g cây huyết dụ và chắt lấy uống nước trong ngày (4).
- Ngoài ra, cành dâu cũng được dùng ngoài da trong trường hợp lở miệng, sưng lưỡi ở trẻ em. Cách dùng: Chặt một cành dâu dài khoảng 30 cm (lựa cành to một chút và chặt cho đứt ngọt) rồi lấy lửa đốt một đầu, vì lòng của cành dâu rỗng nên đầu kia sẽ sùi nước ra, lúc này, lấy nước ấy chấm lên chỗ bị sưng lở (4).
Có Thể Bạn Quan Tâm