Thời Gian Làm 8:00 - 20:00Thời Gian Làm 028.39.257.111 - 03.8558.1111

Ý dĩ – dược liệu quý và câu chuyện tương truyền từ 2000 năm trước

Tham vấn y khoa :

Tương truyền, khi quân đội của tướng xâm lược Mã Viện sang Giao Chỉ (miền Bắc Việt Nam ngày nay) để đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ năm 41 đến 43 đã không chịu được thời tiết nóng ẩm, lam chướng mà bị chướng khí, tay chân tê bại, phù nề. Sau đó, nhờ dùng hạt ý dĩ mà khỏi bệnh nên sau khi đánh bại Hai Bà Trưng, Mã Viện đã cho chở theo một xe ý dĩ về nước.

Cũng vì sự việc này mà ông bị gièm pha là mang xe ngọc trai về làm của riêng và bị vua cắt chức tước, tịch thu thái ấp. Thậm chí khi chết, vợ con của Mã Viện cũng không dám đem xác ông về an táng vì sợ liên lụy.

Vậy, ý dĩ có đặc tính và công dụng gì mà có thể giải trừ lam chướng hay đến thế? Và từ một loại ngũ cốc bình dị đã có ở phương Nam gần hai ngàn năm trước rồi trở thành vị thuốc quý chuyển về phương Bắc, gây nên tội trạng cho tướng giặc Mã Viện; hạt ý dĩ còn có những công dụng nào khác?

TÊN GỌI VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA CÂY Ý DĨ

Ý dĩ (薏苡) hay bo bo còn được gọi bằng nhiều tên khác như: ý châu tử, lục cốc tử, bồ đề châu, bồ đề tử, ngọc mễ, mễ châu, cườm gạo, dĩ mễ, dĩ nhân, ý dĩ nhân, …

Quả ý dĩ có nhân hạt màu trắng đục bên trong, được xếp vào ngũ cốc. Ý dĩ vừa thuộc họ cỏ (tự dạng chữ Hán của hai từ này đều có bộ “thảo” (cỏ) ở trên cùng) lại vừa được xem là thuộc họ lúa (mễ) bởi ý dĩ còn có tên tục là “ý mễ” (薏米). Từ đó cũng có thể hiểu ý dĩ là một loại cỏ có thể dùng làm lương thực như lúa. Nhưng không chỉ thế, như đã nói trên đây, ý dĩ còn có công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.

cây ý dĩ Hình ảnh cây ý dĩ

Hạt ý dĩ và câu chuyện tương truyền

Tính vị

Ý dĩ vị ngọt, tính hơi hàn, không độc và rất bổ dưỡng, tốt cho can, tỳ, phế. Người ta thường dùng ý dĩ để giúp lợi tiểu, lợi sữa, trừ phong thấp, nóng nhiệt, điều trị co quắp, tiêu chảy, viêm đại tràng, kiết lỵ, bệnh trĩ…

Đặc biệt, ý dĩ còn điều trị bệnh phù thũng, giúp cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng, khử được tà khí trong gân cốt và đặc biệt là giúp tăng trí nhớ. Có lẽ vì thế mà Mã Viện ở cái tuổi gần sáu mươi lại xem trọng nó đến thế!

Có nhiều bài thuốc điều trị bệnh từ ý dĩ và tùy loại bệnh mà có thể kết hợp với các vị thuốc khác. Ở đây, có thể kể ra một số bài thuốc như sau:

Công dụng cách dùng ý dĩ làm thuốc

Điều trị hiện tượng “cam dãi” ở trẻ nhỏ: khi trẻ nhỏ hay bị chảy nước dãi không kiểm soát, chúng ta có thể dùng 1 nắm hạt ý dĩ và 20 lá bạc hà rồi sắc với 1 lít nước để uống (sắc còn 1 chén).

Điều trị chứng nhức mỏi tay chân: lót một lớp mỏng cám gạo trên chảo rồi sao 1 nắm hạt ý dĩ cho thật vàng, sau đó đem ngâm với khoảng một lít rượu và uống dần (mỗi lần nửa ly đến 1 ly nhỏ, ngày 1 hoặc 2 lần tùy vào tình trạng nhức mỏi)

Điều trị chứng mụn mọc trong cổ gây sưng đau: mỗi ngày lấy 1 nắm ý dĩ tán thành bột rồi ngậm và nuốt từ từ sẽ thấy bớt sưng đau rồi dần dần hết hẳn.

Điều trị chứng ung nhọt không vỡ mủ: dân gian có mẹo điều trị tình trạng này rất đơn giản: nuốt sống một hạt ý dĩ thì ung nhọt sẽ vỡ ra.

Điều trị chứng ho, khạc ra đờm có mùi tanh: lấy khoảng 3 nắm hạt ý dĩ giã nát, sắc với hai chén nước đến khi còn khoảng một chén thì cho thêm chút rượu (để dẫn thuốc) rồi chia làm hai lần uống trong ngày.

Điều trị chứng phù nề: dùng rễ ý dĩ sắc chung với tỳ giải, hạt mã đề, thổ phục linh (mỗi thứ 20g), mỗi ngày uống một lần cho đến khi khỏi bệnh.

Bệnh trĩ: Dùng thân, lá ý dĩ 15g kết hợp với các vị thuốc như cây cối xay 10g, mã đề 6g, ké đầu ngựa 5g, huyết dụ 5g sắc uống hàng ngày.

Những tác dụng khác của hạt ý dĩ

Quay trở lại với câu chuyện tương truyền về Mã Viện, ý dĩ đã được nấu cháo cho quân sĩ ăn để trừ chướng khí, điều trị tê bại, phù nề, giúp cơ thể được bồi bổ và khỏe mạnh.

  • Do đó, những người muốn bồi bổ cơ thể, thanh nhiệt, giải độc cũng có thể ăn cháo ý dĩ hoặc trộn ý dĩ với gạo rồi nấu chung thành cơm (giúp lợi sữa cho phụ nữ sau khi sinh).
  • Mặt khác, chúng ta cũng có thể dùng ý dĩ trong pha chế một số nước giải khát, thanh nhiệt, tiêu biểu là sâm bổ lượng.
  • Cuối cùng, ý dĩ còn được tán thành dạng bột dưỡng da với công dụng làm giảm mụn nhọt (thanh nhiệt), giảm cân, làm đẹp da (mặt nạ bột ý dĩ). Ngoài dạng hạt khô được bán phổ biến, ý dĩ còn được chế biến thành dạng bột để tiện lợi cho người sử dụng.

Lưu ý: phụ nữ đang mang thai và bị táo bón không nên dùng ý dĩ.

Thông tin thêm: ý dĩ còn có tên gọi phổ biến là hạt bo bo nhưng nó không phải là bo bo được ăn thay cơm vào thời bao cấp ở Việt Nam (vốn là cao lương đỏ, hạt màu tía và rất khó tiêu hóa). Bo bo dùng trong ẩm thực và y học cổ truyền là loại có màu trắng đục như gạo. Có nhiều loại bo bo khác nhau như bo bo cườm (cứng, không dùng để ăn), bo bo tẻ và bo bo nếp….

Hiện nay ỹ dĩ là một thảo dược phổ biến ở nước ta, hầu như chưa có nơi nào trồng chuyên canh loài cây này mà hầu hết nguồn nguyên liệu đều được thu hái từ thiên nhiên. Quý vị quan tâm đến vị thuốc này có thể tìm hiểu thông tin và đặt hàng trực tiếp tại đây.

(Tuyết Nhi)