Thời Gian Làm 8:00 - 20:00Thời Gian Làm 028.39.257.111 - 03.8558.1111

Vì sao u buồn, lo lắng lại làm tổn hại tỳ vị, dạ dày?

Tham vấn y khoa :

Chị gái của bạn mình qua đời khi còn rất trẻ. Một tháng sau, bạn mình bị đau dạ dày. Nội của mình, lúc nào cũng xem các tin tức cướp giết rồi rầu lo cho con cháu, càng rầu lo thì bệnh bao tử càng nặng hơn.

Lúc nào cũng vậy, mình lên nhà nội và mở tủ ra thì thấy trong đó đầy thuốc: từ thuốc viên đến thuốc rượu, thuốc bột, thực phẩm chức năng… loại nào cũng có.

Có lẽ nhiều người nghe xong sẽ thấy tức cười: sự buồn rầu, lo lắng thì có liên quan gì đến bệnh dạ dày chứ! Vâng, trước đây mình cũng nghĩ điều này là hoang đường. Mãi đến khi mình đối chiếu tư liệu với thực tiễn, trong đó có cả bản thân mình, mình mới tin là nó có cơ sở thực sự (cả trong Đông y và Tây y).

Nào, bây giờ thì chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Sức khỏe dạ dày có liên quan gì đến các trạng thái của tinh thần?

Được biết, dạ dày (bao tử) của con người có nhiều chức năng, trong đó, các chức năng chính là vận động, co bóp thức ăn và tiết dịch tiêu hóa (1).

Dạ dày Dạ dày và các cơ quan trong cơ thể người (ảnh minh họa)

Khi bị bệnh về dạ dày, các triệu chứng thường gặp sẽ là đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, đau vùng thượng vị… Tùy từng bệnh chứng cụ thể mà cái đau có khi âm ỉ, có khi đau xót, có khi đau rát… nhưng nói chung là không hề dễ chịu chút nào!

Trong các nguyên nhân gây ra bệnh dạ dày thì có 2 nguyên nhân chính, bao gồm:

1. Nguyên nhân nguyên phát của bệnh dạ dày

Nguyên nhân này do tinh thần con người gây ra. Khi chúng ta tức giận, phẫn nộ, bực bội trong người thì quá trình tiết ra dịch vị sẽ bị ức chế, từ đó làm cho hoạt động tiêu hóa bị rối loạn.

Khi chúng ta căng thẳng (stress) hay cáu gắt, dạ dày cũng sẽ co bóp nhiều hơn và làm cho các mạch máu nhỏ trong dạ dày bị cọ xát (chính bản thân dạ dày cũng suy yếu do cơ chế tự bảo vệ bị giảm).

Khi chúng ta sợ hãi, hoảng loạn, lớp niêm mạc của dạ dày cũng sẽ bị xung huyết (1).

2. Nguyên nhân thứ phát của bệnh dạ dày

Nguyên nhân này là do người bệnh đã mắc các bệnh trước đó như: viêm đại tràng mãn tính, viêm túi mật mãn tính… hoặc do ăn uống sai cách làm hại dạ dày (như ăn vội, vừa làm việc vừa ăn, ăn những thức ăn quá cay, quá nóng hoặc quá mặn, quá chua…, hoặc sử dụng các chất kích thích như bia rượu, cafe, trà đặc, thuốc lá… (1).

Dạ dày, sự quy nạp hành Thổ và các mối tương quan

Nhắc đến ngũ hành thì có người tin, có người không tin, có người hiểu và có người không hiểu.

Ở đây, chúng ta chỉ xoáy vào một vấn đề nhỏ thôi: bệnh dạ dày thì có liên quan gì đến hành Thổ?

Bạn biết đấy, trong ngũ hành thì có hành Thổ. Khi đem đối chiếu với các trạng thái khác, mình phát hiện có những điểm thú vị sau:

  1. Trong Lục phủ thì hành Thổ ứng với Vị (dạ dày).
  2. Trong Ngũ tạng thì hành Thổ ứng với Tỳ (lá lách, hệ tiêu hóa – mà lá lách và dạ dày là hai bộ phận hầu như không tách rời khi nhắc đến quá trình tiêu hóa).
  3. Trong Ngũ vinh thì hành Thổ ứng với Môi (môi miệng là nơi mà ta ăn vào và ai bị bệnh dạ dày thì thường sắc môi sẽ nhợt nhạt).
  4. Trong Cơ thể thì hành Thổ ứng với Bụng (bụng là nơi chứa thức ăn).
  5. Trong Mùi vị thì hành Thổ ứng với Ngọt (vị ngọt thông vào Tỳ vị nhưng ăn quá ngọt thì lại hại Tỳ vị).
  6. Trong Ngũ tàng thì hành Thổ ứng với Ý (tâm ý, suy nghĩ, vì vậy ai hay buồn phiền sẽ dễ mắc bệnh dạ dày).
  7. Trong Thất tình thì hành Thổ ứng với lo lắng, ưu tư (2).

Kết nối các dữ liệu ở trên lại, ta thấy rõ ràng có một mối liên quan giữa hành Thổ với Tỳ – Vị (lá lách – dạ dày hay hệ tiêu hóa nói chung). Đặc biệt, ở hai dữ liệu cuối, ta thấy những suy nghĩ lo lắng, phiền muộn, buồn rầu… sẽ quy về hành Thổ và ứng với dạ dày.

Vì sao u buồn, lo lắng lại làm tổn hại tỳ vị, dạ dày? Đau dạ dày (ảnh minh họa)

Như vậy, có thể thấy rằng những người hay buồn rầu, lo lắng, bất an… thì khả năng mắc bệnh dạ dày sẽ cao hơn những người bình thường (đặc biệt là những người lớn tuổi).

Nếu bạn từng bị đau dạ dày, bạn sẽ hiểu vì sao những người bị đau dạ dày thường hay nhăn mặt, ôm bụng, mệt mỏi… Một căn bệnh xảy ra ngay cái nơi tiêu thụ thức ăn và chuyển hóa năng lượng ấy, nó thực sự khiến cho người ta phải ngao ngán!

Tham khảo: Cây thuốc nam nào điều trị được bệnh viêm dạ dày ?

Các cách phòng bệnh dạ dày

Như trên đã nói, trạng thái tinh thần có vai trò rất quan trọng đối với các bệnh liên quan đến dạ dày. Vì vậy, bạn hãy giữ cho mình tinh thần lạc quan, thư giãn.

Dẫu cho cuộc sống có bộn bề, buồn bã hay có nhiều điều khiến cho bạn tức giận, không hài lòng…

Hãy nhớ buông xả và trân trọng bản thân mình – nó là duy nhất và quý giá nhất!

Thêm vào đó, bạn có thể nghe thêm nhạc Thiền để tâm trí thư giãn (hoặc tập khí công để dẫn khí cũng có tác dụng rất tốt).

Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình. Cụ thể như:

  • Bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất như A, D, K, B11, B12, Sắt, Can xi, Kẽm, Ma giê…
  • Tránh sử dụng các chất kích thích, nhất là rượu và cà phê.
  • Ăn uống thanh đạm (không ăn quá ngọt hoặc quá cay, quá mặn) và hạn chế ăn đồ chua.
  • Không ăn lúc quá đói hoặc quá no.
  • Chia thức ăn thành nhiều bữa và ăn chậm, nhai kỹ.
  • Nếu bị ợ chua, nóng ruột, nôn nao và hay đói thì có thể ăn thêm rau xanh và bánh quy.
  • Kiêng ăn các thực phẩm ướp nướng hoặc chiên xào vì chúng có tính kích thích dạ dày (1).