Trầm hương (cây gió bầu) và dược tính trong y học cổ truyền
Nhắc đến những sản vật quý ở phương Nam được đem tuế cống cho Trung Quốc thời phong kiến thì phải kể đến các loại trầm hương như Kỳ nam, Trầm và Tốc hương (bên cạnh ngà voi, sừng tê, vải vóc…) – những tặng phẩm cao sang, quý hiếm của giới thượng lưu. Ấy thế mà, vua Đường Minh Hoàng còn cho dựng Trầm hương đình (ngôi nhà làm bằng gỗ trầm hương) để làm nơi vui chơi với người đẹp Dương Quý Phi, thật là phong vị của nhà đại gia bậc nhất phong lưu!
Có thể nói, mặc dầu quý hiếm nhưng trầm hương không quá xa lạ với mọi người. Từ việc “xông” trầm cho trẻ sơ sinh đến làn hương trầm thoang thoảng trong các yến tiệc, nghi lễ và tôn giáo; từ miếng trầm thô sơ đến những sản phẩm đa dạng được làm từ trầm, tất cả đã cho thấy tính ứng dụng của sản vật này. Như vậy, trầm hương thực chất là gì và trong y học, nó đã được sử dụng như thế nào?
Về trầm hương
Trầm hương (còn được gọi là mộc anh, gỗ chim ưng) là phần gỗ chứa tinh dầu thơm được hình thành tại những nơi bị tổn thương của cây gió bầu, hay còn gọi là cây gió, dó trầm, dó bầu, dó núi, trầm dó, cây trầm, cây kỳ nam, cây tóc, cây chử tục, trà hương…
Trầm hương có tên khoa học là Aquilaria crassna, thuộc họ Trầm: Thymelaeceae (1). Trầm hương nghĩa là hương thơm tiềm tàng từ bên trong.
Trong công trình Xứ trầm hương, Quách Tấn có trích dẫn cách giải thích khá dễ hiểu về trầm hương như sau:
“Cây trầm hương cũng như cơ thể chúng ta, khi cây bị thương tích sẽ tiết ra chất mủ đặc biệt để làm lành vết thương. Điều đặc biệt là chất mủ của cây trầm hương rất thơm, lâu ngày những chất mủ này sẽ tạo nên trầm hương. Chỗ nào dầu đọng nhiều thì thành Kỳ, chỗ nào dầu đọng ít thì thành Trầm.” (2)
Một điều hết sức đặc biệt nữa là: Khi xông trầm. khói trầm không bay cao mà luôn có xu hướng bay lắng xuống phía dưới, hương trầm vì thế mà cứ thơm phảng phất bên trong căn phòng, khiến mùi hương trầm đã càng thơm lại càng bền mùi. Gỗ trầm cũng trở nên càng quý giá vì lý do đó.
Những loại thông dụng
Tùy theo chất lượng và mức độ tinh dầu mà trầm hương được chia thành nhiều loại, trong đó có thể kể đến là:
Kỳ (tức Kỳ nam): là phần trầm hương có nhiều dầu, hương thơm thanh, khi đốt, khói bay thẳng và cao vút. Kỳ nam hình thành ở nhánh cây được cho là tốt nhất và ở Việt Nam, Khánh Hòa được xem là nơi có nguồn Kỳ nam tốt nhất (ca dao có câu: “Khánh Hòa là xứ trầm hương“) (2) (3).
Trầm: là phần trầm hương có ít dầu hơn, hương thơm ngát, khi đốt, khói bay vòng quanh rồi tan ra.
Tốc: là phần gỗ mới hình thành trầm hương với tính chất thô sơ (là loại trầm hương phổ biến trên thị trường hiện nay).
Hương giai: là những dát gỗ xung quanh những vị trí có trầm, thường có dính một ít trầm hương nên được dùng làm nhang trầm (tuy nhiên thường thì người ta dùng cả cây để làm nhang).
Công dụng làm thuốc của trầm hương
Trầm hương được dùng để thanh tẩy ô uế, trược khí và tà khí, riêng Kỳ nam còn có thể mang theo bên mình một miếng nhỏ (cho vào túi) để không bị trúng gió (2) (3).
Trầm hương có vị cay, đắng, tính ôn, có tác dụng giáng khí, bình can, bổ thận khí, bổ nguyên dương, hạ đờm. Vì vậy, trầm hương còn được biết đến với các công dụng như bổ dạ dày, trấn tĩnh, giảm đau, điều trị cấm khẩu, khí nghịch khó thở, nôn mửa, hen suyễn, thận hư, bí tiểu tiện, đau ngực, bụng và bệnh nguy làm nấc cục liên miên.
Cách dùng: dùng khoảng 3 – 4 g bột hoặc mài với nước uống, hoặc ngâm rượu (4) (5) (6).
Bên cạnh đó, trầm hương còn được dùng để điều trị chứng xúc động tinh thần khiến khí dồn lên, thở gấp, buồn bực, không ăn được bằng cách kết hợp cùng các vị thuốc sau: trầm hương, nhân sâm, ô dược, hạt cau, mỗi vị 6 g, sắc lấy nước uống (5).
Theo quan niệm y học cổ truyền thì Kỳ nam có dược tính tốt nhất trong các loại trầm hương và còn được dùng điều trị các chứng phong đàm bằng cách mài với nước rồi uống (hoặc đốt rồi xông hơi vào lỗ mũi) (2) (3).
Lưu ý
- Người âm hư hỏa vượng và phụ nữ mang thai không nên dùng trầm hương (6).
- Lưu ý, phụ nữ mang thai rất kỵ Kỳ nam, khi uống hoặc đeo bên mình có thể dẫn đến sẩy thai (3).
Thông tin thêm về cây gió bầu
Cây gió bầu là cây gỗ lớn, lâu năm, có thể cao đến 20 m hoặc hơn và có gỗ mềm. Thân gió bầu khá thẳng với vỏ thân mỏng, cành hơi cong và lá mọc so le, hình thuôn nhọn, mặt dưới lá có lông. Hoa gió bầu mọc thành chùm, tạo thành quả có hình elip nhọn hai đầu, vẫn còn đài hoa, vỏ quả mềm xốp, có lông, vị rất đắng và khi chín nứt làm hai phần với 1 hoặc 2 hạt màu đen có chuôi nhọn.
Cây gió bầu hàng chục tuổi mới có trầm hương và không phải cây nào cũng tạo được trầm hương. Hơn nữa, khi sự tích tụ dầu hoàn thành thì cũng là lúc cây gió già rụi và chết, phần gỗ mục dần và chỉ còn lại những khúc gỗ có chứa trầm hương (2) (3). Ngày nay, người ta can thiệp để tạo trầm nhân tạo bằng các tổn thương cơ giới, hóa chất và chế phẩm sinh học. Tuy nhiên, những vấn đề xung quanh các can thiệp này còn cần được nghiên cứu thêm.
Có Thể Bạn Quan Tâm