Vân mộc hương vị thuốc quý điều trị bệnh đường ruột, tiêu hóa kém
- Tên khác: mộc hương, thổ mộc hương, xuyên mộc hương, mộc hương hoắc…
- Tên khoa học: Saussuarea lappa, thuộc họ Hoa cúc: Asteraceae.
- Tính vị: Cay đắng, tính ôn.
- Công dụng chính: kích thích tiêu hóa, điều trị tiêu chảy, hôi nách, giảm ho.
Từ thế kỷ thứ mười ba, cây mộc hương (ở Ấn Độ) đã theo chân những người Trung Quốc về đến Vân Nam và trở thành cây di thực với tên gọi Vân mộc hương (云木香). Bảy thế kỷ sau, những cây Vân mộc hương ở Trung Quốc lại được di thực sang Việt Nam và được trồng thành công ở nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có Sa Pa là trung tâm gieo trồng, sản xuất (1).
Cho đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong top những nước trồng nhiều Vân mộc hương nhất thế giới (đứng đầu là Trung Quốc) (1). Vậy, Vân mộc hương là cây thuốc gì và có đặc điểm gì đáng chú ý?
Vài nét về Vân mộc hương
Trong Đông y, vị thuốc mộc hương là tên gọi chung của nhiều loài như Vân mộc hương, Thổ mộc hương, Xuyên mộc hương…
Trong đó, Vân mộc hương là dược thảo có tên trong Dược điển cộng hòa nhân dân Trung Hoa, với tên khoa học là Saussuarea lappa, thuộc họ Hoa cúc: Asteraceae (2). Ngoài ra, cây còn được gọi là Quảng mộc hương, thanh mộc hương, mộc hương hoắc… ,
Điểm đặc biệt của cây là những lá ở gần gốc thì có hình trái tim còn các lá ở trên cao thì thường có hình tam giác. Hơn nữa, càng lên cao, lá cây càng nhỏ lại và cuống càng ngắn lại. Hoa Vân mộc hương hơi tròn, lớp ngoài có các lá đài nhìn tua tủa như kim và lớp trong là các hoa nhỏ màu tím.
Phần dùng làm thuốc của cây là rễ củ, khá to và mập (đường kính củ có thể dài hơn 5 cm), được thu hoạch sau 2 – 3 năm kể từ thời điểm trồng, sau đó cắt bỏ gốc thân và rễ con rồi cạo bỏ vỏ ngoài, cắt ngắn và phơi trong mát (hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp) (3).
Công dụng của cây vân mộc hương
Củ Vân mộc hương có vị đắng, cay, chứa tinh dầu giúp kháng khuẩn và tẩy uế. Trong y học cổ truyền Việt Nam, Vân mộc hương được biết đến với nhiều tác dụng như:
- Giúp mạnh tim
- An thai
- Giảm đau, trừ đờm, ho.
- Điều trị cảm lạnh, nôn mửa, sốt rét cơn.
- Kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, bổ dạ dày, lá lách.
- Điều trị đầy hơi, hay ợ, ngộ độc thực phẩm.
- Điều trị tiêu chảy, kiết lỵ, đau bụng.
- Điều trị hôi nách (lấy bột Vân mộc hương xoa vào nách) (1) (4).
Liều dùng: mỗi ngày dùng từ 3 – 6 g bột hoặc sắc từ 6 – 12 g thuốc. Lưu ý, nếu dùng Vân mộc hương để điều trị ho, giúp an thai và ngộ độc thức ăn thì nên sao với gừng trước, nếu điều trị sốt rét từng cơn thì nên sao với gừng và kết hợp cùng các vị thuốc khác để có hiệu quả cao hơn (1) (4).
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, Vân mộc hương còn được dùng trong các trường hợp khác như:
- Giúp an thần, cầm máu.
- Điều trị đau tức ngực và vùng thượng vị.
- Giải độc do rắn, côn trùng cắn, nhiễm độc thai nghén (1).
Liều lượng: ngày dùng từ 3 – 10 g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột tán (1).
Một số bài thuốc có dùng Vân mộc hương
- Điều trị đau lưng, đau bụng ở bệnh nhân có sỏi niệu: Vân mộc hương có tác dụng giảm đau, lợi tiểu và điều trị đau bụng nên còn được dùng kết hợp với ô dược (dầu đắng) để điều trị đau lưng, đau bụng ở bệnh nhân có sỏi niệu. Mỗi ngày, các bệnh nhân có thể dùng một thang thuốc sắc gồm 12 g Vân mộc hương và 20 g ô dược (1).
- Điều trị xơ gan: Vân mộc hương thông vào kinh Can (gan), vì thế, bài thuốc điều trị xơ gan sau đây cũng có dùng vị thuốc này: Vân mộc hương, chỉ xác (mỗi vị 6 g), nhục quế, kê nội kim (tức lớp màng trong của mề gà, có màu vàng) (mỗi vị 4 g), bo bo (16 g), trạch tả, củ mài, phụ tử chế, xa tiền tử, bạch truật (mỗi vị 12 g), mỗi ngày sắc 1 thang (1).
- Điều trị suy nhược cơ thể: Vân mộc hương là thảo dược có tính bồi bổ nên được dùng trong bài thuốc điều trị cơ thể suy nhược. Thang thuốc gồm các vị: Vân mộc hương, vỏ quýt, sa nhân (mỗi vị 6 g) và bán hạ chế (8 g), mỗi ngày dùng một thang. Nếu không dùng dưới dạng thuốc sắc, người bệnh cũng có thể theo tỉ lệ trên, làm thành bột rồi dùng mỗi ngày 20 g mỗi ngày (1).
- Điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng: Không chỉ giúp bồi bổ, Vân mộc hương còn có tác dụng kiện tỳ, hòa vị nên cũng là thành phần của bài thuốc điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng: Vân mộc hương, vỏ quýt chín phơi khô, ngũ vị tử (mỗi vị 6 g), a giao, táo nhân (mỗi vị 8 g), gừng (2 g), xuyên khung (10 g), kỷ tử, đương quy, đại táo, bạch thược, phục linh (mỗi vị 12 g), mỗi ngày dùng 1 thang thuốc sắc (1).
- Điều trị viêm cầu thận cấp tính: Trong trường hợp này, các bệnh nhân có thể dùng thuốc tán với tỉ lệ: Vân mộc hương, vỏ quýt còn xanh phơi khô (mỗi loại 10 g), niền niệt, nguyên hoa, vỏ quýt chín phơi khô, đại kích, bìm bìm biếc và tân lang (mỗi vị 6 g). Các vị trên đem tán bột, mỗi ngày dùng từ 4 – 6 g (1).
Vân mộc hương và một số hoạt tính đáng chú ý
Các công trình nghiên cứu về Vân mộc hương đã cho thấy tác dụng đáng chú ý nhất của vị thuốc này là chống ung thư. Có thể kể ra đây một số ghi nhận của giới nghiên cứu về hoạt tính của chiết xuất Vân mộc hương như:
- Ức chế yếu tố hoại tử của khối u (6).
- Ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư dạ dày AGS (7).
- Ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư tuyến tiền liệt DU145 (8).
- Ngăn chặn sự phát triển và di căn của tế bào ung thư vú MDA-MB-231 (9).
Ngoài ra, Vân mộc hương còn có các hoạt tính khác như chống viêm (10), chống nấm (11), bảo vệ gan và chống viêm gan (12)…
Lưu ý
- Khói của bột Vân mộc hương gây ức chế hệ thần kinh trung ương (1).
- Không dùng Vân mộc hương cho các chứng bệnh do huyết hư hay khí yếu mà táo (1).
- Những người tân dịch không đủ, phổi hư có nhiệt, tạng phủ khô nhiệt không nên dùng Vân mộc hương (13).
- Những người âm hư hỏa vượng cũng không nên dùng Vân mộc hương (14).
- Ngoài ra, khi dùng các bài thuốc độc vị hay kết hợp, các bệnh nhân cũng nên hỏi ý kiến của thầy thuốc về liều lượng, kiêng kỵ và tương tác thuốc.
Có Thể Bạn Quan Tâm