Thời Gian Làm 8:00 - 20:00Thời Gian Làm 028.39.257.111 - 03.8558.1111

Tử hoa địa đinh điều trị quai bị, lao hạch và giải độc lá ngón

Tham vấn y khoa :

Có những loài cây tạo ấn tượng ngay từ tên gọi, chẳng hạn như Tử hoa địa đinh. Loài cây này hay được dân gian dùng để giải độc, kể cả độc lá ngón.

Theo tư liệu ghi chép, chỉ cần nhổ cây tử hoa địa đinh (THĐĐ) tươi, rửa sạch, đâm cho nát rồi vắt lấy nước uống (khoảng 50 ml) thì sẽ nôn chất độc ra ngoài.

Ngoài công dụng này, THĐĐ còn được biết đến là vị thuốc thanh nhiệt, làm mát máu và điều trị nhiều bệnh thường gặp hàng ngày.

Đặc điểm

Tử hoa địa đinh còn được gọi là cây cỏ tím, cải rừng tía vì cây có hoa màu tím (“tử” có nghĩa là màu tía, màu tím). Ngoài ra, cây còn được gọi là lý đầu thảo, cẩn thái địa đinh hay hoa tím Ye do (vì loài cây này có xuất xứ từ Ye do – Nhật Bản).

THĐĐ thuộc dạng thân thảo và cả cây đều có lông ngắn. Lá cây mọc từ gốc và có cuống dài, phiến lá thuôn nhọn và mép lá có răng cưa. Khi dùng làm thuốc, người ta nhổ cả cây rồi cắt ngắn, phơi khô (dùng tươi cũng được).

Cây tử hoa định đinh Cây mọc hoang

Tử hoa địa đinh có công dụng gì?

Theo y học cổ truyền, tử hoa địa đinh có vị đắng nhạt, hơi the và có tính lạnh. Cây được biết đến với các tác dụng như:

Thông vào Tâm, Can giúp thanh nhiệt, mát máu.

  • Giúp giải độc, giảm sưng, tiêu viêm.
  • Điều trị ung thũng, tràng nhạc.
  • Điều trị viêm họng, đau mắt, viêm tuyến vú.
  • Điều trị mụn mủ, sưng lở, đinh nhọt.
  • Điều trị tiêu chảy, lỵ.
  • Vàng da
  • Điều trị mắt đỏ, đau yết hầu.
  • Giải độc rắn cắn.
  • Giải độc lá ngón

Cách dùng: Mỗi ngày, lấy khoảng 40 g cây tươi, rửa sạch, chặt nhỏ ra rồi nấu nước uống, nếu dùng khô thì khoảng 20 g (riêng hoa của cây tử hoa địa đinh sau khi phơi khô, đem nấu nước uống thì sẽ có tác dụng tẩy).

Ngoài ra, khi bị sưng tấy, ung nhọt hay bị té, bầm dập do tổn thương, bạn cũng có thể lấy cây THĐĐ tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên da (1) (2).

Tử hoa địa đinh Hình ảnh cây tươi

Bài thuốc điều trị thủy đậu có dùng tử hoa địa đinh

THĐĐ có mặt trong nhiều bài thuốc điều trị thủy đậu với các thành phần khác nhau. Trong đó, có thể kể đến bài thuốc Thủy đậu thang điều trị thủy đậu nổi lên có kèm theo sốt, sợ lạnh, nốt sởi óng ánh, bên trong có nước trong suốt và xung quanh có màu sắc nhạt.

Thành phần: THĐĐ 6 g, vi căn 9 g, liên kiều 6 g, thiền thuế 3 g, kim ngân hoa 6 g, tang diệp 5 g, đạm đậu xị 5 g, bạc hà 1 g và sơn chi (vỏ) 2 g.

Lưu ý: Bài thuốc này chỉ dùng cho người từ ba tuổi trở lên và tùy tình trạng bệnh mà gia giảm thêm. Chẳng hạn, nếu nốt thủy đậu có màu sắc vẩn đục và xung quanh viền có màu đỏ tía thì thêm vào những vị thuốc mát máu, giải độc như bồ công anh, sinh địa hoàng… (3).

Một số bài thuốc kết hợp

    • Điều trị viêm tuyến tiền liệt: 40 g toàn cây tử hoa địa đinh, 20 g dây bòng bong và 20 g lá mã đề, tất cả thái nhỏ, nấu lấy nước uống trong ngày.
    • Điều trị quai bị: lấy 40 g toàn cây THĐĐ và 4 g phèn chua, cùng đem giã nhỏ cho ra nước rồi đắp lên.
    • Điều trị tiêu chảy, nôn tháo: dùng THĐĐ và hương nhu, mỗi vị 40 g, nấu lấy nước uống.
    • Điều trị tràng nhạc (lao hạch) và mụn mạch lươn: lấy 40 g THĐĐ nấu lấy nước uống. Bên cạnh đó, người bệnh có thể lấy thêm một ít cây tươi giã nát và đắp ngoài da (1) (2).
    • Giải độc lá ngón: Dùng 40g cây tươi, hoặc 20g cây khô đun lấy nước uống. Nước sắc loài cây này có tác dụng tẩy mạnh.

Lưu ý

Tử hoa địa đinh có tính hàn nên những người thể tạng hư hàn không được dùng (2).

Thông tin thêm

Theo công trình Cây hoa chữa bệnh, tử hoa địa đinh có tên khoa học là Viola yedoensis (ở Trung Quốc cũng được gọi là “Tử hoa địa đinh” 紫花地丁, đồng nghĩa với Viola phillipina). Tuy nhiên, theo công trình Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1 thì THĐĐ có tên khoa học là Viola inconspicua (ở Trung Quốc được gọi là “Trường ngạc cẩn thái”长萼堇菜). Hai loại này có hình dáng rất giống nhau (4).

Tham khảo: Bối mẫu và hiệu quả điều trị ho, lao hạch (tràng nhạc) tưa lưỡi