Trung Quốc nói gì về tác dụng của dây thìa canh?
Là một thảo dược khá mới so với các vị thuốc Đông y khác nhưng hiện nay, dây thìa canh đã và đang trở nên quen thuộc với những bệnh nhân, thầy thuốc có sự quan tâm đến y học cổ truyền. Ở Việt Nam, dây thìa canh được biết đến với các công dụng đáng chú ý như hỗ trợ điều trị tiểu đường, mỡ máu, béo phì, hạ huyết áp và điều hòa miễn dịch (1).
Tuy nhiên, ở Ấn Độ cũng như ở Trung Quốc, dây thìa canh đã được sử dụng từ rất lâu và ngày càng được nghiên cứu theo nhiều hướng mở rộng, chuyên sâu. Như vậy, bên cạnh những tác dụng đã kể trên, ở Trung Quốc, dây thìa canh còn được sử dụng trong những trường hợp nào khác?
Vài nét về dây thìa canh
Trên thế giới, dây thìa canh (tên khoa học: Gymnema sylvestre, họ La bố ma: Apocynaceae) (2)
Cây được tìm thấy ở nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Úc, Indonesia… và ở Trung Quốc, có thể tìm thấy dây thìa canh ở các tỉnh như Quảng Tây, Quảng Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến, Vân Nam, Hải Nam… (3) (4).
Ở Trung Quốc, dây thìa canh được gọi là “thìa canh đằng” (匙羹藤) hay “thược tử đằng” (杓子藤) bởi quả của nó có hình dạng giống như cái thìa múc canh. Ngoài da, dây thìa canh còn được gọi là “di thiên giác” (蛇天角) bởi sự liên tưởng hình dáng quả của nó với nanh rắn hay các tên khác như “vũ ngoa đằng” (武靴藤), “ô nha đằng” (乌鸦藤), “kim cương đằng” (金刚藤)… (4).
Tính vị, công dụng của cây dây thìa canh
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, dây thìa canh có vị đắng, tính mát, thông vào các kinh tâm, can, tỳ, có tác dụng khư phong chỉ thống, giải độc, tiêu thũng, tiêu sưng. Trong đó, dây thìa canh được dùng để chủ trị các bệnh như phong thấp, tê liệt, sưng đau cổ họng, bệnh tràng nhạc (hạch cổ, lao hạch), vết thương lở loét, bệnh sởi, ung vú, các bệnh phù nề và rắn độc cắn (3).
Liều lượng: sắc uống 15 – 30 g rễ cây (rửa sạch, thái lát, phơi khô) hoặc nhành lá non mỗi ngày (thường dùng tươi), nếu dùng ngoài da thì tùy theo vùng da bị tổn thương (3).
Theo y học hiện đại Trung Quốc, công dụng của cây dây thìa canh là: hạ đường huyết và giảm béo phì đáng kể (đây cũng là hai tác dụng được biết đến nhiều ở Việt Nam).
Bên cạnh đó, dây thìa canh còn được dùng kết hợp cùng các vị thuốc khác để điều trị các bệnh như:
- Ung nhọt, mụn đầu đinh: dùng rễ dây thìa canh (30 g) và ngân hoa (15 g), sắc lấy nước uống (3).
- Sưng độc, phù nề, sởi: dùng rễ dây thìa canh (30 g) và thổ phục linh (15 g), sắc lấy nước uống (3).
Nghiên cứu về dây thìa canh
- Trong bài nghiên cứu Những tiến triển mới nhất trong nghiên cứu về dây thìa canh (匙羹藤的最新研究进展), được đăng trên tạp chí Dược lý và lâm sàng y học Trung Quốc (中药药理与临床), các tác giả tiếp tục nhấn mạnh các tác dụng chính của dây thìa canh (như giảm đau, hạ đường huyết, phòng ngừa và điều trị mỡ máu cao…), đồng thời cũng đưa ra các đánh giá xác thực về thành phần hóa học cũng như dược tính và tính ứng dụng của dây thìa canh (5).
- Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Phân tích hóa học (分析化学), các chiết xuất từ dây thìa canh có tác dụng chống o xy hóa đáng kể (mức độ tác động tùy thuộc vào liều lượng và nồng độ). Từ đó, dây thìa canh được xem là nguồn nguyên liệu tiềm năng cho quá trình bào chế các thực phẩm chức năng (6).
Lưu ý
Nên dùng dây thìa canh sau bữa ăn để tránh các tác dụng phụ. Bên cạnh đó, không dùng quá liều và không dùng thuốc đã để qua đêm, nếu dùng dây thìa canh với thuốc tây thì phải cách nhau từ 30 phút. Ngoài ra, những người bị tiêu chảy, phụ nữ mang thai hoặc hậu sản và trẻ nhỏ cũng không nên dùng vị thuốc này (1).
Có Thể Bạn Quan Tâm