Si rô, giá trị thực phẩm và dược liệu của cây si rô
Có một loài cây nghe tên đã thấy ngọt ngào! Vâng, đó là cây si rô. Thoạt nhìn quả si rô đỏ mọng, nhiều người nghĩ rằng nó sẽ ngon ngọt nhưng trên thực tế, quả si rô lại chua.
Đặc điểm
Cây si rô (xi rô), tên khoa học là Carissa carandas, thuộc họ Trúc đào (1).
Thường được biết với giá trị làm cảnh và ăn quả hơn là làm thuốc. Cây mọc ở nhiều nơi khắp nước ta nhưng hiện nay, ở miền Nam, cây si rô khá hiếm vì đã bị chặt bỏ nhiều (do cây có gai).
Si rô là loài cây bụi lâu năm, có gai cứng, lá kép, khá nhỏ và có hình bầu dục. Hoa si rô nhỏ, màu trắng, mọc thành chùm, có mùi thơm và rất sai quả. Quả si rô là dạng quả mọng, kích cỡ như quả nho với lớp thịt quả khá dày và có màu sắc rất bắt mắt, từ trắng xanh đến trắng hồng và đỏ khi còn sống, đến khi chín thì chuyển thành màu đen.
Quả si rô sống rất chua nên được dùng như gia vị để làm chua món ăn, thường là nấu canh chua, trộn gỏi. Khi chín, độ chua của quả si rô giảm dần và quả có vị chua ngọt nên được dùng để ăn chơi, ngâm rượu, làm mứt…, trong đó, phổ biến nhất là dùng làm nước si rô.
Cách làm nước si rô giúp giải khát, lợi mật
Hái quả si rô chín đen rồi lặt bỏ cuống quả, rửa sạch mủ trắng, để ráo nước. Sau đó, chà nát phần thịt quả si rô để lấy dịch quả (bỏ phần bã) rồi cho đường vào (tùy theo nhu cầu về độ ngọt của nước si rô mà tỉ lệ dịch quả và đường có thể là 1:2 hoặc xê dịch khác đi). Đun sôi hỗn hợp khoảng nửa tiếng thì tắt bếp, đợi nguội và cất trữ để sử dụng dần.
Nước si rô có mùi thơm đặc trưng và màu si rô tự nhiên, rất đẹp. Theo kinh nghiệm dân gian, pha si rô với nước đá để uống không những giúp giải khát, thanh nhiệt, lợi mật mà còn giúp lợi sữa đối với bà mẹ cho con bú.
Công dụng của quả si rô
- Được biết, quả si rô rất giàu chất sắt nên rất tốt cho bệnh nhân thiếu máu, đồng thời, quả cũng chứa nhiều vitamin A, C nên cũng tốt cho sự phát triển của tế bào. Ngoài ra, quả si rô còn chứa Phot pho là khoáng chất cần thiết giúp xương và răng chắc khỏe.
- Sử dụng quả si rô cũng tốt cho gan, mật, giúp bổ tim, giảm lo âu, điều trị khó tiêu, táo bón, đau dạ dày, giúp giảm cân, làm sạch máu và hạ đường huyết (3).
- Đặc biệt, quả si rô non được dùng để điều trị các bệnh về mật, trong đó phải kể đến khả năng làm giảm triệu chứng dễ bị cáu gắt, bực bội (ăn khoảng 4 gam thịt quả si rô chưa chín, mỗi ngày một lần) (3).
- Tuy nhiên, quả si rô (cũng như các bộ phận khác của cây) có nhiều mủ trắng hơi độc nên sau khi hái, cần chờ cho quả chảy hết mủ và nên rửa sạch trước khi ăn. Bên cạnh đó, để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, không nên ăn quá nhiều quả si rô mỗi ngày (không quá 10 quả).
Công dụng của lá và rễ cây si rô
- Lá cây si rô được dùng dưới dạng thuốc sắc để hạ sốt, điều trị tiêu chảy và bệnh đau tai (2). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ lá cây si rô cũng có đặc tính kháng khuẩn (4).
- Rễ si rô có vị đắng, có tính sát trùng, được dùng dưới dạng thuốc sắc để trị giun sán. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy chiết xuất từ rễ cây si rô còn có đặc tính chống co giật (4).
Thông tin thêm
- Cây si rô ưa nắng, không chịu được úng nước và sinh trưởng khá chậm. Thật vậy, có lần, tôi chỉ cây si rô cao chừng hơn hai mét, nằm nghiêng tè một bên, cành lá rậm rạp, từng chùm quả lúc lĩu rất đẹp và hỏi chú tôi cây đó trồng được năm, bảy năm chưa? Nghe xong, ông chú tôi đang ngồi võng liền bật người ngả ra phía sau, cười khà khà: “Trời, nó mấy chục năm rồi đó, già hơn mày nữa chứ giỡn hả!”. Mặt khác, quả si rô rất đẹp và rất lâu chín (khoảng mấy tháng) nên cây si rô rất lý tưởng để trồng làm cảnh. Tuy nhiên, giá thành cây si rô cũng hơi “nhỉn” hơn các giống cây cảnh khác.
- Cây si rô dễ sống nhưng lại khó nhân giống. Cây có thể được trồng bằng hạt nhưng vì nó chậm lớn nên người ta thường áp dụng biện pháp chiết cành. Hơn nữa, khi chiết cành si rô, cần phải dùng thuốc kích thích thì tỉ lệ cành chiết mới ra rễ mới cao chứ không thể để tự nhiên như nhiều loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, cây si rô ít sâu nhưng lại dễ bị rệp sáp phá hoại.
Có Thể Bạn Quan Tâm